Tại sao chọn luyện kim là mũi nhọn trong tái cơ cấu?

Công nghiệp hóa phải đi đôi với tiến bộ công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của sản xuất năng lượng, cơ khí chính xác và luyện kim quy mô lớn. Ngành luyện kim của Việt Nam có thể tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu được không là một câu hỏi cần phải được trả lời.

Nhưng lâu nay, ngành luyện kim vẫn được cho là có vấn đề, khi nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng giá điện rẻ để đầu tư vào Việt Nam. Phóng viên tạp chí Tài chính điện tử đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia xung quanh chủ đề lựa chọn ngành luyện kim là ngành mũi nhọn trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.

TS.Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Có quốc gia nào công nghiệp phát triển mà không có luyện kim?

PV: Thưa ông, trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế có đề cập một số ngành mũi nhọn trong đó có đóng tàu, luyện kim; vậy tại sao lại chọn đóng tàu, luyện kim vì đây là một trong những ngành công nghiệp khá cũ, tiêu hao năng lượng, thay vì ưu tiên phát triển cho các ngành dệt may, da giầy?

Trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế có 2 cấp độ ưu tiên, giai đoạn 2011- 2015, dệt may, da giày vẫn được ưu tiên. Nhưng đây là ngành có giá trị gia tăng thấp, có thể hiện nay có năng lực canh tranh nhờ lao động rẻ, nhưng trong 5 năm nữa có thể không còn rẻ. Chính vì thế, chúng ta cũng không nên quá dựa vào khả năng cạnh tranh về chỉ số này, vì tiền lương thấp, thu nhập thấp, sẽ khó có khả năng phát triển thêm kỹ năng. Trong 10-20 năm nữa phải có hệ thống ngành mới thay thế cho những ngành hiện nay. Lúc đó mới tính đến những ngành như điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm, luyện kim, đóng tàu, du lịch, logistic…

Nói về luyện kim, đây là ngành công nghiệp cơ bản, một nước có công nghiệp cơ khí, điện tử… phát triển thì không thể thiếu những ngành công nghiệp cơ bản như luyện kim, hóa dầu, làm nguyên liệu đầu vào… Vấn đề là phải làm sao chất lượng ngang bằng nhưng chi phí rẻ hơn. Thực ra, khó quốc gia nào có thể làm tốt ngay từ đầu khi phát triển công nghiệp, vì đi sau nên phải qua quá trình vừa làm vừa học, vấn đề là làm sao học được nhanh nhất.

Các nước phát triển đang có xu hướng đẩy một số ngành công nghệ không quá cao, không làm nữa, trong khi Việt Nam có lợi thế thì vẫn có thể thu hút. Thử đặt lại câu hỏi, trừ những nước như Singapore đi theo con đường riêng… trên thế giới, có quốc gia nào có nền công nghiệp phát triển mà không có luyện kim? Dù hiện nay, có ý kiến cho rằng ngành thép, xi măng đang thừa, hay vấn đề về ngành đóng tàu…nhưng đây là do một vài vấn đề quản lý đầu tư chứ không phải lỗi của ngành nghề.

Đối với ngành đóng tàu Việt Nam, cho đến năm 2008, là một trong những quốc gia có đơn đặt hàng tăng nhanh nhất. Từ 0,25% thị phần năm 2006 thì năm 2008, chúng ta chiếm 2,6%, thuộc loại tăng rất nhanh. Thực tế, ngành đóng tàu đang có vị trí không kém, do nước ta có lợi thế về đường bờ biển dài, chiến lược biển, kỹ năng của lao động. Đặc thù riêng của ngành đóng tàu, công nghệ không lỗi thời nhanh như công nghệ tin học, sử dụng nhiều lao động, hoàn toàn tiếp cận được công nghệ. Hơn nữa, những công nghệ không phải “đỉnh cao” thì các nước phát triển dễ dàng chuyển giao hơn.

PV: Luyện kim có bao gồm cả luyện thép không, thưa ông? Luyện kim được cho là ngành kém phát triển, hiệu quả thấp, nhưng lại được nêu tên đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, xin ông giải thích rõ về điều này?

Chúng ta phải phân biệt vị trí phát triển của ngành đó trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Luyện kim là một ngành công nghiệp mang tính chất nền tảng. Thép là ngành phụ trợ, các ngành công nghiệp khác đều phải sử dụng đến nó. Hiện nay, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đều có ngành thép phát triển.

Tại sao ngành này lại nêu tên đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, là vì nó là nền tảng của ngành công nghiệp hiện đại. Cái sai của chúng ta là phá vỡ quy hoạch, có sự phân tán và cạnh tranh lẫn nhau, mà không chú ý đến chất lượng của nhà đầu tư và của dự án đầu tư. Không nên lấy cách thức thực hiện sai như vừa rồi để nói rằng không nên làm.

Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam – Phạm Chí Cường: Không có động lực để phát triển luyện kim

PV:Được chọn là một trong những ngành ưu tiên phát triển trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, ông đánh giá ra sao về khả năng đáp ứng của ngành?

Do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đầu tư công mà hệ lụy là hàng loạt các công trình, dự án bất động sản “đóng băng” khiến lượng thép tồn kho tháng 6/2012 đã vượt quá mức bình thường, đến 350.000 tấn, tháng 7/2012 lên 370.000 tấn. Dù được đầu tư lớn, nhưng ngành cơ khí còn èo uột hơn cả ngành thép. Do chúng ta không có ngành luyện kim đủ mạnh để tạo ra các vật liệu kim loại hợp lý, nên ngành: cơ khí, chế tạo ô tô, gia dụng cao cấp… của Việt Nam không phát triển như mong muốn. Ngược lại, những ngành này phải thực sự mạnh, có nhu cầu sử dụng cao, thì ngành luyện kim mới có động lực để phát triển. Hiện nay, Việt Nam đã có Chương trình cơ khí trọng điểm nhưng chưa thực hiện được gì. Đây sẽ là một cản trở cho ngành cơ khí chế tạo máy, bởi luyện kim là ngành công nghiệp phục vụ lớn nhất cho công nghiệp cơ khí.

Điều đáng nói, sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất của toàn ngành Công nghiệp nước ta đang có xu hướng giảm. Do đó, các chuyên gia dự báo, đến năm 2018, khi khối ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế theo Hiệp định thuế quan ưu đãi để xây dựng khu mậu dịch tự do ASEAN, các nhà sản xuất ô tô đang liên doanh ở Việt Nam sẽ chọn phương án nhập khẩu và bán xe nguyên chiếc được lắp ráp tại Việt Nam, vì giá thành sản xuất ở Việt Nam cao hơn.

Ngành Luyện kim Việt Nam cũng đang trong tình trạng tụt hậu cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn qui mô sản suất. Do hạn chế về việc đổi mới công nghệ và phụ thuộc vào nguồn than cốc, cho đến nay, các doanh nghiệp luyện kim của Việt nam chủ yếu chỉ sản xuất đầu tư thấp, để cung ứng cho nhu cầu thị trường xây dựng nhà ở là chủ yếu.

Việc thiếu khả năng sản xuất phôi thép hợp kim và thép đúc hợp kim cao theo qui mô công nghiệp, là nguyên nhân không những làm cho ngành Cơ khí mà còn với ngành công nghiệp hỗ trợ không phát triển, khiến cho Việt Nam phải đối mặt với tình trạng nhập siêu ngày một gia tăng.

Cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ chú trọng vào việc nhập khẩu thiết bị, động cơ và linh kiện để lắp ráp các cấu kiện, máy móc, ô tô và xe máy…. Thực tế này là mảnh đất màu mỡ cho việc nhập siêu và vô hình chung, đã trở thành rào cản đối với mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nước ta. Nhìn tổng thể nền công nghiệp của đất nước, có thể thấy chưa đủ khuyến khích ngành thép sản xuất ra những loại thép công nghệ cao.

PV: Nếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cứ tiếp tục đình trệ như hiện nay, liệu có đường hướng nào cho ngành luyện kim tồn tại không, thưa ông?

Nền công nghiệp của Việt Nam, trong đó có luyện kim, phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế vĩ mô như: tài chính, ngân hàng…nên các biện pháp của chính phủ trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Hiện nay, quả thật chúng ta đã kiềm chế được lạm phát nhưng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát. Trong nước, ngành tiêu thụ thép và luyện kim lớn nhất là xây dựng thì lại đang đình đốn, thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng đang khó khăn và còn chịu thêm sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, nhất là thép Trung Quốc.

Với những dự án lớn được triển khai như hiện nay, Hà Tĩnh không giấu tham vọng sẽ sớm trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim, trung tâm nhiệt điện lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, với tiềm lực kinh tế vùng cùng với việc cấp phép các nhà máy thép, luyện kim của Hà Tĩnh không phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, đã khiến lượng thép tồn kho đã tăng sẽ còn tăng nữa nếu không có giải pháp tìm đầu ra cho ngành thép, tìm hợp đồng mới, tìm thị trường xuất khẩu mới.

PV: Có ý kiến cho rằng ngành thép, luyện kim đang lợi dụng giá điện thấp để có mức lãi cao trong xuất khẩu, chính vì thế cần áp giá điện riêng cho ngành thép và tăng thuế xuất khẩu, ông bình luận gì về ý kiến này?

Mỗi năm ngành thép tiêu thụ khoảng 6% trong tổng năng lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp ở Việt Nam và sử dụng điện nhiều nhất trong cơ cấu ngành thép là sản xuất phôi thép. Tuy nhiên, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, giá điện trong cấu thành giá sản phẩm thép cán xây dựng chỉ chiếm 0,77-1,11%; trong ống thép hàn là 0,62- 0,89%; thép mạ kim loại và sơn phủ màu là 0,65- 0,95%; thép cán nguội là 0,91- 1,3%. Do đó, lãi trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại, kể cả khi tính đủ giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị.

Thực tế, điện trong cơ cấu giá thành thép không cao, nhưng hiện nay với 65 dự án sản xuất gang thép, công suất mỗi năm từ 100.000 tấn trở lên, hàng năm, các DN thép tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Để luyện được 1 mẻ thép, trung bình DN mất khoảng 90-180 phút (trên thế giới là 45-70 phút), tiêu hao điện từ 550-690 kWh/tấn.

Đây là con số rất lớn, chiếm 6% tổng tiêu thụ năng lượng ngành công nghiệp. Hiện những nhà máy cán thép có công suất thấp và sử dụng thiết bị lạc hậu có chênh lệch mức tiêu hao năng lượng so với những nhà máy hiện đại lên đến 30%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp thép không thể cứ thay đổi công nghệ thường xuyên được mà chỉ có thể thay đổi biện pháp quản lý. Khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp thép đã nhập công nghệ sử dụng than để nung thép, thậm chí, nhiều doanh nghiệp phía nam đã sử dụng gas thay cho dầu dù đắt hơn, nhưng hiệu quả cao hơn.

Hiệp hội thép cũng đề xuất chính phủ có chính sách lãi suất và hỗ trợ vốn bởi doanh nghiệp thép hiện dang rất khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, thậm chí vay ngoại tệ cũng khó khăn. Theo quy định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp muốn vay ngoại tệ phải có sản phẩm xuất khẩu để thu ngoại tệ về rồi mới cho vay, tuy nhiên, ngành thép mỗi năm nhập 7 tỷ USD nguyên liệu nhưng chỉ xuất được 2 tỷ USD – nhập siêu nên cần ngoại tệ để tiếp tục nhập nguyên liệu. Không những thế, ngành thép không chỉ sản xuất để xuất khẩu mà còn tiêu thụ trong nước nên không thể thu được ngoại tệ nên vẫn cần sự hỗ trợ về ngoại tệ.

VẬT LIỆU NGHÀNH ĐÚC

TOP